Peranakan là một nền văn hóa pha trộn giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Mã Lai xuất hiện vào khoảng năm 1.400 khi những người nhập cư gốc Hoa đến định cư ở bang Penang, eo biển Malacca, Indonesia hay Singapore và kết hôn với người Mã Lai địa phương. Tuy nhiên một số người Peranakan cao tuổi lo ngại nền văn hóa này đang bị mai một khi các thế hệ trẻ mới lớn yêu chuộng những nét hiện đại hơn là bản sắc văn hóa truyền thống của mình.
Một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của người Peranakan chính là văn hóa ẩm thực. Các công thức nấu ăn Peranakan thường đòi hỏi quá trình chuẩn bị công phu và được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chính vì thế nấu ăn cũng chính là một trong những tiêu chuẩn để chấm điểm một người phụ nữ khi có gia đình nào đó muốn cưới họ làm con dâu.
Cách đây 26 năm, Maureen Guan và chồng của bà là ông Chock Choon-sin đã mở một cửa hàng ăn uống Peranakan có tên gọi nhà hàng Makko Nyonya ở Malacca. Bà Maureen Guan cho biết các "Nyonya", từ để chỉ người phụ nữ, rất hăng hái học hỏi các kỹ năng bếp núc từ mẹ và bà của họ nhưng do áp lực từ cuộc sống hiện đại nên ngày càng có ít người lựa chọn các phương pháp nấu nướng này. Bà cho biết: "Theo truyền thống của người Peranakan, các Nyonya khi lập gia đình phải biết nấu ăn nếu không sẽ bị mẹ chồng và nhà chồng coi thường".
Trong khi đó ông Chock, 51 tuổi cho biết không người con nào của ông cảm thấy thích thú trong việc sẽ quán xuyến nhà hàng của gia đình bởi vì họ nhận thấy rằng việc điều hành một nhà hàng Peranakan truyền thống sẽ bao gồm rất nhiều công việc. Không chỉ có các công thức nấu ăn mà các đặc trưng khác của người Peranakan như ngôn ngữ và một số phong tục cũng đang dần phai mờ do dân số người Peranakan ngày càng giảm và nhiều người Peranakan kết hôn với người bên ngoài cộng đồng của họ.